Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Kiến trúc thành phố Đà Lạt

Lịch sử hình thành kiến trúc Đà Lạt

Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được quy hoạch bài bản ngay từ khi hình thành. Vào năm 1906, khi nơi đây vẫn còn là một địa điểm hoang vắng, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt Paul Champoudry đã thiết lập một đồ án tổng quát kèm theo Dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố tương lai, áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng rất hiện đại thời kỳ đó. Năm 1921, thời điểm công cuộc kiến thiết thành phố bước vào giai đoạn mạnh mẽ nhất, kiến trúc sư nổi tiếngErnest Hébrard nhận nhiệm vụ xây dựng đồ án quy hoạch với định hướng Đà Lạt có thể trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương trong tương lai. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố, Ernest Hébrard đã sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nước nhân tạo. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh quan này và mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng. Sau hơn 10 năm áp dụng đồ án Hébrard, đến năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra nghiên cứu "Chỉnh trang thành phố Đà Lạt" với những quan niệm thực tế hơn. Louis Georges Pineau kế thừa ý tưởng của Ernest Hébrard, đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, bố trí các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí, khí hậu địa phương, và thiết lập một vùng đất kiến tạo rộng lớn để bảo vệ tầm nhìn về hướng núi Lang Biang

kiến trúc thành phố đà lạt
 Kiến trúc thành phố Đà Lạt

Năm 1940, trong "Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt", kiến trúc sư Mondet đề ra phương án không kéo dài thành phố, mà tổ chức hợp nhóm lại và mở rộng bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm. Đồ án của Mondet tuy không được áp dụng nhưng đã được kiến trúc sư Jacques Lagisquet kế thừa trong "Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt" năm 1943. Vẫn giữ ý tưởng của Ernest Hébrard về một "thành phố phong cảnh", nhưng Jacques Lagisquet quy hoạch xây dựng những khu trung tâm hành chính, thương mại, khu vực khách sạn, bệnh viện, trường học... để tạo nên một Đà Lạt nhiều sức sống và những trung tâm hoạt động hấp dẫn thu hút dân chúng. Tuy có những quan điểm khác biệt, nhưng các đồ án quy hoạch của Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet mang tính kế thừa lẫn nhau và chung một ý tưởng xuyên suốt: Đà Lạt là một thành phố du dịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Thực trạng quy hoạch kiến trúc tại Thành phố Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ 20 với nhiều công trình nổi tiếng và những biệt thự xinh đẹp. Các công trình kiến trúc tiêu biểu nơi đây đều chọn lựa bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với địa hình và hòa hợp với thiên nhiên. Những công trình xây dựng dưới thời thuộc địa đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện sinh hoạt của cư dân. Trải qua một thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm và hành lang bao quanh, tới phong cách Tân cổ điển với những trang trí phong phú, đến phong cách kiến trúc địa phương Pháp của những ngôi biệt thự, và phong cách kiến trúc Hiện đại với nhiều hình khối, bố cục phi đối xứng ở các dinh thự. Tuy Đà Lạt mang đậm dấu ấn của những kiến trúc sư người Pháp, nhưng các nhà kiến trúc này khi thiết kế những công trình cho Đà Lạt cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường nơi đây. Hiện tượng giao thoa này đã đem lại cho Đà Lạt một phong cách kiến trúc riêng độc đáo và nhiều bản sắc. 

kiến trúc thành phố đà lạt
Kiến trúc Đà Lạt

Tuy vậy, sau nhiều thập niên phát triển thiếu quy hoạch và buông lỏng quản lý, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng. Tình trạng xây cất trái phép, không phù hợp với quy hoạch, lấn chiếm những khu vực trống, tàn phá rừng nội ô... khiến bộ mặt kiến trúc đô thị của Ðà Lạt ngày nay trở nên nhem nhuốc. Không ít công trình kiến trúc giá trị không được bảo tồn tốt phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian. Trong khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ. Năm 2010, chính quyền tỉnh Lâm Ðồng thông báo quyết định mời một nhóm kiến trúc sư thuộc Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch khác của Pháp thực hiện quy hoạch lại Ðà Lạt.

Nguồn: wikipedia.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét