Nguồn gốc tên gọi Dinh 3 Bảo Đại
Dinh 3 Bảo Đại là tên gọi để chỉ biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập “Hoàng triều Cương Thổ” vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng. Được xây dựng từ năm 1933 gồm 25 phòng, Dinh 3 Bảo Đại là một tòa dinh thự vô cùng trang nhã, gắn mình trong khung cảnh thơ mộng của một đồi thông ở độ cao 1539m trên đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt chừng 2km về hướng Tây - Nam.
Dinh III nằm giữa rừng Ái Ân, trên đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Ðà Lạt của Ernest Hébrard dành cho dinh toàn quyền. Toàn thể công trình chịu nặng phong cách kiến trúc Châu Âu, điển hình là trước biệt điện và sau biệt điện đều có vườn hoa.
Dinh 3 Bảo Đại
Do một may mắn của lịch sử, Biệt điện Quốc trưởng còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc căn phòng làm việc của vua Bảo Đại với những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của Hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bản thân của vua Bảo Đại và vua cha Khải Định, phòng của hoàng hậu Nam Phương, hoàng tử Bửu Long. Phương Mai công chúa, hình ảnh gia đình và những vật dụng thường ngày…tất cả đều như mới hôm qua một chút gì đó se sắt chạnh lòng gợi nhớ một thuở vàng son nay đã không còn !
Kiến trúc Dinh 3 Bảo Đại
Tương tự như Dinh II, Dinh III là một công trình kiến trúc đồ sộ với mái bằng và các hình khối cân đối nhưng không đăng đối một cách cứng nhắc. Biệt điện có 2 tầng:
Tầng trệt: Dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ Hoàng triều cương thổ. Cửa chính diện rộng vừa phải (khoảng 4m), có sảnh trước khi vào tầng trệt là phòng tiếp tân và các phòng làm việc: bên phải là văn phòng của vua Bảo Ðại, thư viện; bên trái là phòng họp và các phòng làm việc khác; phía trong là phòng giải trí. Ðiều đáng chú ý là việc thiết kế các phòng làm việc của dinh được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc không gian phía trong và ngoài thông với nhau qua các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên. Tại phòng khánh tiết vẫn còn một kỷ vật là bức tranh đền Angkor Wat do hoàng thân Shihanouk (Campuchia) tặng cho Bảo Đại.
Nội thất Dinh 3 Bảo Đại
Tầng lầu: Toàn bộ tầng 2 của dinh 3 Bảo Đại được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng ngủ của Vua Bảo Ðại, của hoàng hậu Nam Phương, của các công chúa và hoàng tử Bảo Long, các công chúa Phương Mai, Phương Liên, hoàng tử Bảo Thăng. Phía ngoài phòng ngủ của cựu hoàng là Lầu Vọng nguyệt khá đẹp dùng làm nơi cựu hoàng và hoàng hậu ngắm trăng. Do thái tử Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng (từ năm 1939) nên trong phòng trang hoàng toàn màu vàng.
Vua Bảo Đại có một bà vợ chính thức là hoàng hậu Nam Phương (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan), con nhà hào phú Nguyễn Hữu Hào). Từ năm 1949, khi hoàng hậu Nam Phương đưa các con sang sống, học tập bên Pháp thì Bảo Đại chung sống với 3 thứ phi là Bùi Mộng Điệp, Phi ánh và bà Jeny Woong (người Hương Cảng).
Phòng khách Dinh 3 Bảo Đại
Sau khi Bảo Đại qua Pháp sống lưu vong, dinh là nơi nghỉ mát cao cấp của chính phủ Ngô Đình Diệm và sau này là Dinh của Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, trong nhiều năm, dinh thuộc Ban tài chính quản trị tỉnh uỷ Lâm Đồng và mới được giao về cho Công ty du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000.
Giá trị bảo tồn Dinh 3 Bảo Đại
Ngoài giá trị là một trong những kiến trúc Châu Âu đặc sắc, Dinh 3 Bảo Đại còn chứa đựng nhiều cổ vật cung đình Huế mà còn chứa đựng hầm rượu chìm dưới đất. Ngoài ra, Dinh 3 còn chứa những sản vật mà Bảo Đại săn bắt được như: 3 bộ da cọp, ngà voi. Dinh còn là điểm tham quan hấp dẫn trong số 2 Dinh còn lại.
Nguồn: lamdong.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét