Madagascar là hòn đảo rộng lớn và xinh đẹp nằm giữa những cơn sóng Ấn Độ Dương, phía Đông Nam lục địa Châu Phi và được chia cách với đất liền bởi kênh đào Mozambique. Mặc dù có nền kinh tế kém phát triển, Madagascar từ lâu vẫn nổi danh là thiên đường du lịch với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của trùng diệp núi đồi, bạt ngàn rừng mưa và hệ động thực vật độc nhất vô nhị.
Madagascar là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới
Với chiều dài trục trên 1,600 km và rộng đến 570 km, Madagascar được xếp thứ tư trong danh sách những hòn đảo lớn nhất thế giới, chỉ sau Greenland, Papua New Guinea và Borneo.
Những dãy núi lửa khổng lồ trên đảo có độ cao lên đến 2,876 m, bao bọc xung quanh vùng cao nguyên trung tâm và những khu rừng mưa bạt ngàn. Hòn đảo độc đáo này còn sở hữu những vách đá sa thạch hùng vĩ ở bờ Tây và những khu rừng đá vôi kỳ lạ ở phía Bắc.
Nhiều loài sinh vật tại Madagascar không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác
Suốt 70 triệu năm, Madagascar bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới sau khi lần lượt bị tách khỏi lục địa Châu Phivà Ấn Độ. Chính sự cô lập này đã tạo nên một hệ động thực vật độc nhất vô nhị với khoảng 90% các giống loài không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Chỉ riêng vượn cáo đã có đến hơn 100 loài và loài phụ khác nhau. Tuy nhiên, ước tính có đến 16 loài trong số đó đã tuyệt chủng từ khi con người xuất hiện trên đảo.
Madagascar còn là ngôi nhà của loài tắc kè hoa lớn nhất và nhỏ nhất thế giới - Parson và Brookesia. Những loài thực vật kỳ lạ trên đảo cũng vô cùng phong phú, lên đến trên 6,000 loài. Bạn sẽ bắt gặp những thân cây phủ đầy gai và cả những cây baobab to lớn tại Madagascar.
Không hề có sư tử hay ngựa vằn
Bộ phim hoạt hình nổi tiếng Madagascar của Pixar đã vẽ nên một thế giới đầy màu sắc về hòn đảo này. Thế nhưng, thực tế là dù có lùng sục khắp nơi trên đảo, bạn cũng không thể tìm thấy sư tử, ngựa vằn, hà mã hay hươu cao cổ ở bất kỳ đâu. Loài hà mã lùn từng sinh sống nơi đây, nhưng chúng đã tuyệt chủng gần 1,000 năm trước.
Cũng không có khí hậu nhiệt đới
Một khía cạnh hết sức kỳ lạ về hòn đảo này chính là mặc dù nằm trong khu vực nhiệt đới, nó lại không hề mang kiểu hình khí hậu đặc trưng của khu vực này. Vài nơi trên đảo còn có mùa đông cực kỳ giá lạnh.
Vượn cáo được xem là linh vật
Khắp nơi trên đảo Madagascar, loài vượn cáo luôn nhận được sự tôn kính và bảo vệ tối đa bằng những luật lệ mang tính văn hóa. Nhiều truyền thuyết cổ xưa cho rằng có một sự kết nối đặc biệt giữa vượn cáo và loài người, thường là thông qua một tổ tiên chung. Năm 2012, phần lớn những loài vượn cáo trên đảo đều được xếp loại quý hiếm hoặc đang bị đe dọa, cần bảo tồn nghiêm ngặt.
Những người đầu tiên đặt chân đến Madagascar là người Châu Á
Từ năm 350 trước Công nguyên đến năm 550 sau Công nguyên, những cư dân của hòn đảo Borneo – nay thuộc lãnh thổ của 3 quốc gia Brunei, Indonesia và Malaysia – đã đến Madagascar trên những chiếc canoe. Tận 500 năm sau, những người Châu Phi mới bắt đầu đặt chân lên đảo. Thời gian trôi qua, những nhóm người Á, Phi, Âu lần lượt đến và định cư tại nơi đây, mang theo những nét văn hóa đặc trưng của giống nòi mình.
Nền ẩm thực nơi đây phản ánh sự đa dạng văn hóa
Những món ăn tại Madagascar pha trộn ảnh hưởng từ các nền ẩm thực Đông Nam Á, Châu Phi, Ấn Độ, Trung Hoa vàChâu Âu. Lúa gạo giữ vai trò chủ đạo trong bữa ăn hàng ngày – thực tế, động từ “mihinam-bary” trong tiếng Malagasy có nghĩa đen là “ăn cơm”. Tỏi, hành, gừng, cà chua, cà ri, nước dừa, vani, đinh hương và nghệ là những gia vị phổ biến trong bữa ăn hiện nay của người dân trên đảo. Thịt bò Zebu là nguyên liệu được dùng thường xuyên, bên cạnh các loại đậu, rau xanh, chuối và rượu rum. Madagascar là một trong những vựa cung cấp vani, đinh hương và hoàng lan lớn nhất thế giới, đồng thời cũng rất nổi tiếng về cà phê, vải và tôm.
Trước khi trở thành thuộc địa của Pháp, Madagascar được cai trị bởi một người phụ nữ
Ranavalona III, nữ hoàng cuối cùng của Vương quốc Madagascar đã cai trị hòn đảo từ năm 1883 đến năm 1897 trước khi người Pháp đô hộ và thiết lập chế độ thuộc địa. Tước hiệu của bà được đặt theo nữ hoàng quyền lực Ranavalona I (cai trị từ 1828 đến 1861), người đã nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước trước những sự can thiệp từ Châu Âu.
3 Di sản Thế giới tại Madagascar bạn không nên bỏ qua
Khu Dự trữ Sinh quyển Tsingy de Bemaraha
Tại khu Dự trữ Sinh quyển này, hiện tượng xói mòn đã tạo nên những cánh đồng núi đá vôi “tsingy” độc đáo nằm xen kẽ với những khu rừng khô, hồ nước và rừng đước, tạo nên khu vực lưu trú rộng lớn cho nhiều loài chim và thú quý hiếm, trong đó có loài vượn cáo.
Ngọn đồi Hoàng gia Ambohimanga
Ngọn đồi Hoàng gia Ambohimanga nằm ở vùng cao nguyên trung tâm đóng vai trò đầu não chính trị và tâm linh cho người dân trên đảo từ thế kỷ thứ 16. Đây là nơi cư ngụ của nhiều vị vua, địa điểm tổ chức nhiều nghi lễ hoàng tộc linh thiêng đồng thời cũng là điểm hành hương đến tận ngày nay.
Rừng mưa Atsinanana
6 công viên quốc gia cùng nhau tạo nên vùng rừng mưa Atsinanana rộng lớn, nơi cư trú của những loài động thực vật “độc quyền” chỉ có tại hệ sinh thái rừng mưa Madagascar.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét