Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Sigiriya-Hòn đá Sư tử ở Sri Lanka



Sigiriya, Hòn đá Sư tử dũng mãnh giữa rừng xanh

Những dấu vết của lịch sử để lại luôn làm tôi tưởng tượng về khung cảnh thời xa xưa. Khám phá một di tích là cách để buộc tôi phải đọc nhiều hơn để tìm hiểu về nó và để thấy con người kia xưa vĩ đại như thế nào.

Quãng đường từ Kandy đến Sigiriya không xa lắm nhưng cũng khiến chúng tôi thiếp đi một lúc vì chuyến đi dài ngày hôm trước. Đoạn đường nào cũng vậy, dù ngắn hay dài, cả đám cứ nói chuyện cười đùa chừng vài phút là lại lăn ra ngủ như đúng rồi. Đi du lịch chuyến nào cũng vậy, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ vì cái tật ham hố chơi cho sát ván đến tận đêm khuya cho… hết tiền.

Khoảng 2 tiếng đi xe là chúng tôi đã đến được Sigiriya hay Hòn đá Sư tử. Từ xa, Hòn đá Sư tử hiện lên sừng sững giữa một khoảng không trong xanh của núi rừng Sri Lanka. Sigiriya là một khối đá khổng lồ trên một ngọn núi, tựa như ai đó đem cả tảng đá cắm xuống đây. Chẳng khác nào một phần thi trong chương trình Amazing Race, chúng tôi phải leo bằng được lên đỉnh hòn đá khổng lồ ấy. Đó là một điều kiện bắt buộc mà chúng tôi tự đặt ra cho mình. Lỡ đi bao dặm đường xa đến đây rồi thì cũng phải cố leo cho… hết tiền. Vả lại, trên đỉnh có phế tích đền đài cổ và là phần chính của khu di tích này.

Đường vào Sigiriya rộng rãi và không trải nhựa. Con đường đất đỏ ấy lại sạch sẽ vô cùng. Không bụi bặm và không rác rưởi. Hàng quán cũng không. Người bán hàng chèo kéo khách tất nhiên cũng không. Hai bên đường là cây cối um tùm. Đúng là di sản văn hoá thế giới có khác, được bảo vệ và chăm sóc thật kỹ lưỡng. Người lái xe dẫn tôi vào khu vực mua vé, đưa chúng tôi đến cổng vào rồi hẹn sẽ đón chúng tôi ở bãi đỗ xe.


Con đường đất dẫn vào Sigiriya. Sạch đẹp vô cùng.




Từng bậc tam cấp cổ kính làm chúng tôi háo hức

Để leo lên Hòn đá Sư tử, trước tiên chúng tôi phải đi qua một con đường đất xuyên qua khu vườn Sigiriya. Thoạt nhìn thì con đường này cũng bình thường. Đó cũng chỉ là một con đường đất thẳng tắp dẫn đến hòn đá, hai bên đường là các phế tích của đền đài xưa kia, giờ chỉ còn lại phần móng. Một số khu vực được che chắn bởi một mái tôn nhỏ để bảo vệ và trùng tu. Tuy nhiên, con đường đất này nếu được nhìn từ trên cao xuống sẽ trông rất đẹp. Một con đường thẳng tắp đi xuyên qua rừng cây.

Đi hết con đường, hành trình leo núi bắt đầu. Nói là leo núi cho có vẻ phiêu lưu khám phá chứ thật ra là leo lên các bậc thang. Nhưng như vậy cũng đủ khiến cả đám mệt nhoài. Mới leo được 1/4 núi đá cả đám đã uống hết sạch nước. Chân thì đã mỏi nhừ vì không mấy khi vận động nhiều như vậy. Ba lô thì vác nặng đủ loại máy móc lỉnh kỉnh. Cứ đi được dăm ba bước lại ngồi nghỉ 1 tí. Nhưng cả đám nhủ lòng phải cố lên. Mục đích chính là đến đây mà không leo lên được thì lúc về tiếc chết.


Vết tích thành cổ trong khu vườn Sigiriya


Sigiriya hiện ra trước mặt chúng tôi, hùng vĩ và cuốn hút


Chúng tôi phải leo lên những bậc thang cao ngất và dốc đứng như thế này để lên đến đỉnh.

Leo được đến lưng chừng núi thì chúng tôi phải leo lên tiếp một cầu thang uốn vòng thẳng đứng để lên được vách núi, nơi có các bức bích hoạ vẽ trên đá từ ngàn xưa. Chị tôi gọi hai cái cầu thang đó là cầu thang “Nhé anh”, là kiểu cầu thang Mỹ Tâm “đu lượn” trong MV Nhé Anh trên VTV Bài hát tôi yêu khi xưa. Ban đầu chị tôi nhất định không leo lên cầu thang này, vốn bao bọc xung quanh bằng lưới, vì sợ chóng mặt nhưng rồi cũng leo lên hết. Bên trong vách đá là các bức bích hoạ, khắc hoạ lại cuộc sống của người xưa. Bức hoạ có vẻ như đã được trùng tu và vẽ lại bởi nó khó còn nguyên vẹn sau 1.500 năm.


Từng bậc
 tam cấp xưa cũ rêu phong như tiếp sức cho lòng người đam mê khám phá


Đường lên Sigiriya cứ vòng vèo chênh vênh như vậy đấy


Cảnh vật làm đắm say lòng người


Những con đường chênh vênh bên sườn núi


Cầu thang xoắn “Nhé anh” để leo lên vách đá ở lưng chừng núi, nơi có những bức bích hoạ cổ xưa.


Những bức bích hoạ cổ ở Sigiriya


Những bậc thang nhỏ xíu bên sườn một vách đá

Chúng tôi lại tiếp tục leo lên những phần còn lại của núi đá. Khí hậu nhiệt đới nóng bức làm chúng tôi nhễ nhại mồ hôi. Nước thì hết. Khát vô cùng. Nhưng cũng may những cơn gió thổi vào sườn núi mát rượi cùng cảnh vật xanh mướt xung quanh khiến chúng tôi quên hết mệt nhoài. Cảm giác vô cùng thanh bình. Những chuyến đi xa mệt nhoài thì những khoảnh khắc như vậy khiến tâm cảm thấy an lành vô cùng. Một cơn gió xứ người là đủ.

Chúng tôi ngồi nghỉ và nói chuyện với nhau, tự hỏi vì sao ông vua này xây cái cung điện cao thế làm leo đừ cả người. Chị tôi bảo có khi xây cao vậy để tránh bị trả thù hay giết hại. Quả thực, việc xây cung điện trên núi đá có phần lý do đó.

Tìm trên mạng thì thấy vào năm 477 sau Công nguyên, hoàng tử Kashyapa với sự trợ giúp của người họ hàng đã lật đổ Vua Dhatusena. Kashyapa dù là con vua nhưng mẹ ông không phải là hoàng hậu. Ông đã tìm cách chiếm luôn ngôi của người thừa kế ngai vàng hợp pháp là hoàng tử Moggallana, người chạy trốn sang phía nam Ấn Độ sau cuộc binh biến và sống lưu vong. Vì sợ bị Moggallana trả thù và tấn công, Kashyapa đã dời đô từ Anuradhapura về Sigiriya và cho xây cung điện tại đây. Trong suốt thời gian trị vì từ 477 đến 495, Sigiriya đã được xây dựng thành một thành phố và một pháo đài phức hợp.

Nhưng rồi đến năm 495, hơn 20 năm sau vụ binh biến, Moggallana quay lại trả thù, đánh bại Kashyapa, chiếm lại ngai vàng. Kể từ đó, Sigiriya trở thành một tu viện Phật giáo cho đến khoảng thế kỷ 14. Không có dữ liệu lịch sử nào về nơi này cho đến khoảng thế kỷ 16, 17 khi nó được sử dụng làm tiền đồn của Vương quốc Kandy. Sau thời đại của Kandy, nó lại bị bỏ hoang cho đến đầu thế kỷ 20 khi người ta phát hiện lại nó.


Vết tích hồ tắm cũ của vua, nơi ông nô đùa cùng các cung nữ


Con đường đi xuyên qua khu vườn Sigiriya nhìn từ trên cao


Cảnh đẹp, gió mát, lòng vui. Còn gì bằng?


Cứ mỗi lần nhìn hình này lại nghĩ đến phim Avatar (có liên quan không nhỉ?)


Một tượng Phật nằm giữa rừng cây nhìn từ Sigiriya


Đứng chỗ này gió mát rượi thôi rồi. Ôi nhớ…

Mỗi di tích đánh dấu một thời kỳ lịch sử. Vậy nên càng phải đi, càng phải tìm hiểu và khám phá để biết nhiều hơn. Leo lên đến 3/4 núi đá, còn chặng cuối cùng, một số thành phần trong đoàn đã rơi rụng, không thể leo được nữa và đành ngồi dưới. Tôi và 1 cô bạn cố leo lên đỉnh trong cảnh vừa đi vừa thở.

Rồi thì cũng đến nơi. Đỉnh Sigiriya cao chót vót với móng cung điện cổ còn sót lại. Khi xưa, để xây được cung điện hoành tráng trên núi thế này phải tốn cực kỳ nhiều công sức và tiền của. Nhìn sự đồ sộ của nền móng là có thể thấy được điều đó. Chúng tôi đứng im nhìn ra xa. Đất trời Sri Lanka trông thật thanh bình.


Chặng cuối cùng của Sigiriya. Phải leo lên cái hòn đá cỏn con trên đỉnh này.


Dấu vết thành cổ trên đỉnh Sigiriy

Nguồn: Travip

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét