Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Karlovy Vary

Có một thành phố sơn cước nhỏ, nằm ở vùng Tây Bắc Cộng hòa Czech, với dân số xấp xỉ 5 vạn người, mà hàng năm có tới 2 triệu du khách tới viếng thăm từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đó là Karlovy Vary, còn được biết tới với cái tên Đức Karlsbad, thiên đường nghỉ ngơi dưỡng bệnh của Châu Âu, nơi thu hút nhiều khách du lịch thứ hai ở Cộng hòa Czech, sau thủ đô Prague.


Quang cảnh Karlovy Vary nhìn từ tầng thượng Khách sạn Thermal

Karlovy Vary là nơi con sông nước nóng Teplá chảy vào sông Eger. Tọa lạc ở độ cao 400 m trên mực nước biển, bốn bề bao phủ bởi 3 dãy núi và bạt ngàn những cánh rừng, 36% diện tích của thành phố nhỏ nhắn và xinh đẹp này là rừng, là cây và những công viên. Không có những đại lộ rộng lớn, những con đường nguy nga, tráng lệ, nhưng nếu một du khách muốn đi hết những con phố đi bộ nhỏ nhắn và ngoằn nghèo của Karlovy Vary, anh ta sẽ phải vượt một quãng đường dài tới 130 km.


Tượng hoàng đế Charles Đệ tứ tại trung tâm thành phố

Lần lại những trang sử, Karlovy Vary được đặt theo tên vị hoàng đế Đức - La Mã Charles Đệ tứ, người đã thành lập ra thành phố này vào những năm 30 của thế kỷ XIV. Chỉ trong vòng 130 năm, nhờ địa thế hữu tình với rất nhiều suối nước nóng chứa chất khoáng thích hợp cho dưỡng bệnh và nghỉ ngơi, Karlovy Vary đã trở thành nơi dưỡng bệnh hàng đầu ở Châu Âu.

Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVIII, khi cơ sở hạ tầng của thành phố được để tâm xây dựng và khi giao thông ở Châu Âu đã phát triển ở mức cần thiết, thành phố mới thực sự trở thành nơi nghỉ ngơi, tụ họp của giới vương giả, văn nghệ sĩ phương Tây. Không những đến đây để dưỡng bệnh, nhiều bậc vua chúa, chính khách lớn thời bấy giờ còn chọn Karlovy Vary làm địa điểm cho những cuộc hội họp, tọa đàm bí mật.

Goethe, đại thi hào của nước Đức, đã đến đây 13 lần, và cùng với ông, danh sách các nhà văn, nhạc sĩ lừng danh của Châu Âu thời đó, những người đã ít nhất một lần tìm đến mảnh đất này để tìm cảm hứng sáng tác, cũng thật đáng nể: Friedrich Schiller, Gogol, Lev Tolstoi, Liszt Ferenc, Chopin, Ludwig van Beethoven, Brahms, Dvorák... và còn nhiều người khác nữa.

Đặc biệt, Nga hoàng Peter Đại đế của nước Nga, đúng vào năm dời đô xuống St. Petersburg, cũng đã tới thăm Karlovy Vary và có thể giả thiết rằng những gì ông được thấy ở đây đã ghi dấu ấn trong một số công trình kiến trúc sau này của cố đô Đế chế Nga.

Giữa thế kỷ XVIII, một cơn hỏa hoạn lớn đã thiêu hủy Karlovy Vary, nhưng dường như chỉ để thành phố được xây lại khang trang hơn, xinh đẹp hơn với những tòa nhà theo trường phái Cổ điển thời gian sau đó. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Karlovy Vary trải qua những biến đổi lớn, với sự ra đời của hàng loạt tòa nhà được xây dựng bởi hãng Fellner và Helmer, cũng như các nhà máy sứ và thủy tinh nổi tiếng mang tên Karlsbad và Moser.

Kể từ năm 1992, toàn thể thành phố được Cộng hòa Czech liệt vào danh sách những di tích lịch sử được bảo vệ.

Ngày nay, nhắc đến Karlovy Vary, có thể những du khách phương xa chỉ nghĩ đến Liên hoan Điện ảnh Quốc tế thường niên đã được tổ chức tại đây từ gần 60 năm qua, và suy nghĩ ấy không phải không có lý. Là một trong những liên hoan phim có lịch sử lâu đời nhất của thế giới, đồng thời, là liên hoan phim quan trọng nhất của vùng Đông Âu trong những năm gần đây, Giải Quả cầu Pha lê hàng năm của Karlovy Vary đã thu hút đại đa số những gương mặt quen biết và nổi tiếng nhất của bộ môn "nghệ thuật thứ bảy". Tuy nhiên, phải nói rằng, Karlovy Vary, trước hết và sau cùng, vẫn lừng danh hơn cả như một vương quốc của những bể tắm ngầm có tác dụng dưỡng bệnh.


Bể tắm số 3 của thành phố

Du khách đến với 13 nguồn lớn và 300 nguồn nhỏ của hệ thống nước khoáng chữa bệnh thành phố này, thường là ngầm dưới lòng đất, sẽ ngạc nhiên khi được khuyến dụ là có thể... nếm được nước. Với nhiệt độ xê dịch từ 34 - 73 độ C, nước khoáng ở Karlovy Vary là liều thuốc tuyệt vời để chữa trị những căn bệnh rối loạn tuần hoàn và trao đổi chất.

Không phải ngẫu nhiên mà từ giữa thế kỷ XIX, một văn hào Hungary, ông Arany János, người đã quá bộ tới Karlovy Vary hàng chục lần, đã ghi lại những dòng như sau trong tác phẩm lớn mang tựa đề "Toldi" của ông, về những nguồn khoáng chữa bệnh ở đây: "Nếu suối nguồn không giỏi hơn các thày thuốc, thì con người chúng ta đã chẳng tồn tại được trên thế gian này đông như thế!".

Nhưng đến Karlovy Vary, du khách đầu tiên và trước hết, như được trở về với quang cảnh hoang sơ nơi thiên đường, để tìm về thời gian đã mất. Thả bộ theo con đường chính dọc bờ sông, hai bên đường bạt ngàn hàng quán, khách sạn lớn nhỏ, hòa quyện với phong cảnh hữu tình và lãng mạn của những con phố nhỏ tuyệt đẹp, những vườn hoa, công viên dịu dàng dễ thương, những công trình kiến trúc như còn sót lại của thời La Mã cổ, khách bộ hành sẽ có cảm giác như bỏ lại sau lưng mình thế giới hiện hữu với những ồn ào, eo sèo nhân thế, để có lại cảm giác tinh khôi và phấn khích.

Chỉ sau những giây phút đó, du khách mới cần đảo qua một số địa danh không thể thiếu trong cuộc hành trình về Karlovy Vary, như Khu dưỡng bệnh Hoàng gia, Bể tắm Hoàng gia, Tiệm cà phê Voi, Công viên Dvorák, Nhà thờ Mary Magdalene...


Bể tắm Hoàng gia

Trầm mình thư giãn và quên đi hiện tại trong một nguồn nước khoáng nóng nào đó, không ít du khách Việt Nam có dịp đến Karlovy Vary đã thầm nghĩ sẽ có dịp, họ phải trở lại đây, dài ngày hơn, để tận hưởng khung trời thơ mộng mà đâu đó trong ký ức, họ đã từng có. Phải rồi, một Đà Lạt với những nét giống và khác, ngay giữa lòng Đông Âu...

Karlovy Vary, ốc đảo nơi trần thế, là như vậy!

Nguồn: Hoàng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét